Quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê Út

Abdullah trở thành quốc vương khi Fahd mất, ông chính thức đăng cơ vào ngày 2 tháng 8 năm 2005. Chính quyền của Abdullad nỗ lực tiến hành cải cách trên các lĩnh vực khác nhau. Năm 2005, Abdullah thực hiện một chương trình học bổng chính phủ nhằm cử các nam nữ thanh niên Ả Rập Xê Út ra nước ngoài học đại học và sau đại học tại nhiều trường trên khắp thế giới. Theo ước tính, có trên 70.000 thanh niên Ả Rập Xê Út xuất ngoại học tập tại hơn 25 quốc gia, nhất là Hoa Kỳ, Anh và Úc. Chính quyền cũng hợp tác với CDC nhằm thiết lập một hệ thống sàng lọc dịch bệnh tiên tiến để bảo vệ ba triệu người hành hương Hajj vào năm 2010.

Quốc vương Abdullah thi hành nhiều biện pháp cải cách, ông tái tổ chức ban lãnh đạo của bộ giáo dục vào năm 2009 bằng cách đưa người con rể ủng hộ cải cách là Faisal bin Abdullah làm bộ trưởng mới. Ông cũng bổ nhiệm Nora Al Fayez, một cựu giáo viên học tại Mỹ, làm thứ trưởng giáo dục phụ trách về một cục mới dành cho nữ sinh viên.[30]

Ông tiến hành tái cơ cấu từ trên xuống dưới các toà án của quốc gia nhằm thực hiện phúc thẩm các quyết định tư pháp và đào tạo chuyên nghiệp hơn cho các thẩm phán Shari'a, cũng những hạng mục khác. Ông phát triển một cơ quan xúc tiến đầu tư mới để xét lại quá trình khởi nghiệp phức tạp tại Ả Rập Xê Út và lập ra một cơ cấu điều tiết thị trường vốn. Ông cũng thúc đẩy việc xây dựng Đại học Quốc vương Abdullah về Khoa học-Kỹ thuật. Quốc vương Abdullah đầu tư vào giáo dục lực lượng lao động cho các công việc tương lai. Chính phủ cũng khuyến khích phát triển các lĩnh vực phi hydrocarbon, trong đó vương quốc có lợi thế so sánh do có khai mỏ, năng lượng mặt trời, và du lịch tôn giáo. Ngân sách vương quốc năm 2010 phản ánh các ưu tiên này, với khoảng 25% được dành cho giáo dục, và là một gói kích thích kinh tế quan trọng.[31][32]

Quốc vương Abdullah cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11 tháng 2 năm 2007.

Nhằm phản ứng trước chủ nghĩa khủng bố trong nước, chính quyền của ông tiến hành một loạt hành động trấn áp, bao gồm tấn công, bắt giữ, tra khảo và hành hình.[33] Ông thề chiến đấu với các hệ tư tưởng khủng bố trong nước. Ông cũng đưa việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Ả Rập Xê Út là một ưu tiên an ninh cao nhất.[34] Chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố của ông có hai hướng, ông tấn công căn nguyên của chủ nghĩa cực đoan vốn hỗ trợ cho Al-Qaida thông qua các cải cách giáo dục và tư pháp nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của các phần tử phản động trong tổ chức tôn giáo.[cần dẫn nguồn]

Trong tháng 10 năm 2010, Quốc vương Abdullah ra sắc lệnh rằng chỉ có các học giả tôn giáo được phê chuẩn chính thức liên kết với Hội đồng Cấp cao Ulema mới được phép ban hành các fatwa. Các sắc lệnh tương tự từ năm 2005 trước đó hiếm khi được thi hành. Các fatwa cá nhân liên quan đến các vấn đề cá nhân được miễn theo sắc lệnh hoàng gia. Sắc lệnh cũng chỉ thị Đại Mufti xác định các học giả đủ tư cách.[35]

Trong bối cảnh Mùa xuân Ả Rập, Abdullah ban bố một chương trình chi tiêu mới trị giá 37 tỉ USD, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp giáo dục và nhà ở, xoá nợ và một kênh thể thao mới. Ngoài ra, còn có cam kết chi tiêu tổng cộng 400 tỉ USD đến hết năm 2014 nhằm cải thiện về giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng trong nước.[36] Sau đó, trong bối cảnh các cuộc biểu tình trong nước, vào tháng 9 năm 2011, Quốc vương công bố trao quyền bầu cử cho nữ giới trong cuộc bầu cử hội đồng đô thị năm 2015. Ông cũng phát biểu rằng nữ giới đủ điều kiện để tham gia Hội đồng Tư vấn phi tuyển cử.[37][38]

Trong tháng 1 năm 2012, Quốc vương Abdullah bãi chức người đứng đầu cơ quan cảnh sát tôn giáo quốc gia, thay thế bằng một giáo sĩ ôn hoà hơn là Abdullatif Abdel Aziz al-Sheikh.[39]

Đại học Quốc vương Abdullah về Khoa học-Kỹ thuật

Vào tháng 7 năm 2012, Ả Rập Xê Út công bố rằng sẽ cho phép các nữ vận động viên tham gia Thế vận hội lần đầu tiên. Việc nữ giới công khai tham gia thế thao gặp phải chống đối mạnh mẽ từ nhiều nhân vật bảo thủ tôn giáo trong nước. Các quan chức Ả Rập Xê Út nói rằng nếu đủ tư cách tham gia thì các vận động viên nữ sẽ mặc trang phục "bảo vệ phẩm giá của họ".[40] Ngày 11 tháng 1 năm 2013, Abdullah bổ nhiệm ba mươi phụ nữ vào Hội đồng Tư vấn và sửa đổi luật có liên quan để yêu cầu rằng có ít nhất 20% trong số 150 thành viên của hội đồng này là phụ nữ.[41]

Trong tháng 8 năm 2013, nội các Ả Rập Xê Út lần đầu tiên thông qua một điều luật quy định bạo lực gia đình là tội hình sự.[42] Luật hình sự hoá việc lạm dụng về tâm lý, tình dục cũng như thể xác.[43]

Đối ngoại

Abdullah họp với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry, 5 tháng 1 năm 2014.

Trong tháng 11 năm 2007, Abdullah sang thăm Giáo hoàng Benedicto XVI tại Điện Tông Tòa, trở thành quân chủ đầu tiên của nước này đến Vatican.[44][45] Vào tháng 3 năm 2008, ông kêu gọi về đối thoại chân thành giữa tín đồ các tôn giáo.[46]

Trong tháng 6 năm 2008, ông tổ chức một hội nghị tại Mecca nhằm thúc giục các nhà lãnh đạo Hồi giáo nhất trí với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.[47] Ông thảo luận với các học giả Hồi giáo trong và ngoài nước, và được tán thành tổ chức đối thoại liên tôn giáo. Trong cùng tháng, Ả Rập Xê Út và Tây Ban Nha đồng ý tổ chức đối thoại liên tôn giáo tại Tây Ban Nha.[48] Hội nghị lịch sử này cuối cùng diễn ra tại Madrid vào tháng 7 năm 2008.[49] Năm 2011, chính phủ Áo, Tây Ban Nha và Ả Rập Xê Út ký kết một thoả thuận về việc thành lập Trung tâm Quốc tế về Đối thoại liên tôn giáo và liên văn hoá Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz tại Wien.[50]

Quốc vương Abdullah kêu gọi lập ra một thị trường chung Ả Rập vào tháng 1 năm 2011. Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Saud bin Faisal nói rằng Liên minh Thuế quan Ả Rập sẽ sẵn sàng vào năm 2015, và đến năm 2017 thì thị trường chung có thể có hiệu lực. Diễn ra các nỗ lực mạnh mẽ nhằm liên kết các quốc gia Ả Rập thông qua một hệ thống đường sắt và lưới điện. Công trình về dự án lưới điện đã được bắt đầu tại một số quốc gia Ả Rập.[51]

Abdullah thăm Hoa Kỳ trong tháng 4 năm 2005

Quốc vương Abdullah từ lâu đã có tư tưởng thân Mỹ và là một đồng minh thân thiết lâu năm của Hoa Kỳ. Vào tháng 10 năm 1976, ông từng sang Hoa Kỳ để được đào tạo nhằm giữ các trách nhiệm lớn hơn tại Riyadh, ông từng gặp Tổng thống Gerald Ford. Ông đến Hoa Kỳ với thân phận thái tử vào năm 1987, gặp Phó Tổng thống George H. W. Bush. Vào tháng 9 năm 1998, Abdullah thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước sang Hoa Kỳ và gặp Tổng thống Bill Clinton tại Washington. Vào tháng 9 năm 2000, ông tham dự các lễ kỷ niệm thiên niên kỷ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Vào tháng 4 năm 2002, Abdullah tiến hành chuyến thăm nhà nước đến Hoa Kỳ và gặp Tổng thống George W. Bush, ông trở lại Hoa Kỳ vào năm 2005 và gặp Tổng thống Bush. Vào tháng 4 năm 2009, tại một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới Tổng thống Barack Obama đã gặp Quốc vương Abdullah, và đến tháng 6 năm 2009 ông đón tiếp Tổng thống Obama tại Ả Rập Xê Út. Trong cùng tháng, Tổng thống Obama đón tiếp Quốc vương tại Nhà Trắng. Quốc vương Abdullah thể hiện ủng hộ lớn đối với cương vị tổng thống của Obama, cho rằng việc Obama đắc cử tạo ra "hy vọng lớn" trong thế giới Hồi giáo.[52]

Chính quyền Bush phớt lờ lời khuyên từ ông về việc chống lại cuộc xâm chiếm Iraq.[34] Tuy nhiên, Riyadh cung cấp hỗ trợ quan trọng cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến.[53] Quốc vương Abdullah tỏ ra hoàn toàn thiếu tin tưởng Thủ tướng Iraq Nouri Al Maliki và có ít hy vọng về cải thiện quan hệ giữa hai nước chừng nào al-Maliki còn tại vị.[54] Vào tháng 9 năm 2014, sau cuộc bành trướng của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL), ông ra tuyên bố kêu gọi các nhà lãnh đạo và học giả của thế giới Hồi giáo thực hiện bổn nhiệm của họ trước Đấng Toàn năng.[55]

Barack Obama và Quốc vương Abdullah.

Năm 2006, Nhà lãnh đạo tối cao của Iran là Khamenei cử cố vấn Ali Akbar Velayati mang thư đến yêu cầu Quốc vương Abdullah cho phép lập một kênh liên lạc chính thức giữa hai nhà lãnh đạo. Abdullah nói rằng ông đồng ý, và kênh này được lập ra, song chưa từng được sử dụng.[56] Vào tháng 4 năm 2008, theo một điện tín của Hoa Kỳ bị Wikileaks công khai, Quốc vương Abdullah nói với Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq Ryan Crocker, và Tướng quân David Petraeus về "cắt đầu con rắn". Đại sứ nước này tại Washington, Adel al-Jubeir, "nhắc lại lời kêu gọi thường xuyên của Quốc vương về việc Hoa Kỳ tấn công Iran" và chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran.[57] Quốc vương Abdullah khẳng định rằng Iran đang nỗ lực lập ra các tổ chức giống như Hezbollah tại các quốc gia châu Phi.[52][56]

Được Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tán thành, Ả Rập Xê Út cử 1.200 binh sĩ sang Bahrain để bảo vệ các cơ sở hạ tầng công nghiệp, dẫn đến căng thẳng quan hệ với Hoa Kỳ. Các quân nhân này thuộc Lực lượng lá chắn bán đảo, đóng tại Ả Rập Xê Út song không liên kết với riêng quốc gia nào.[58][59]

Từ khi Quốc vương Abdullah sang thăm Bắc Kinh vào tháng 1 năm 2006, quan hệ Ả Rập Xê Út-Trung Quốc chủ yếu tập trung vào năng lượng và mậu dịch. Ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Ả Rập Xê Út sang thăm Trung Quốc từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990.[60] Trung Quốc nhanh chóng trở thành đối tác nhập khẩu lớn nhất từ Ả Rập Xê Út, và Ả Rập Xê Út cũng cam kết đầu tư đáng kể vào Trung Quốc, trong đó có nhà máy lọc dầu trị giá 8 tỉ USD tại Phúc Kiến. Theo điện tín do WikiLeaks công bố, Quốc vương nói với Trung Quốc rằng sẵn sàng đảm bảo cung cấp dầu để đổi lấy việc Trung Quốc gây áp lực khiến Iran không phát triển vũ khí hạt nhân.[31] Vào cuối tháng 3 năm 2011, Quốc vương Abdullah phái Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Bandar đến Trung Quốc nhằm giành ủng hộ của nước này cho quan điểm của Ả Rập Xê Út về Mùa xuân Ả Rập. Đổi lại, các hợp đồng vũ khí có lợi được bí mật đề xuất với Trung Quốc. Ngoài ra, Quốc vương Abdullah cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ là các thị trường tương lai đối với năng lượng của Ả Rập Xê Út.[61]

Abdullah cùng Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński.

Đến tháng 9 năm 2009, Quốc vương Abdullah được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp đón, họ đạt được nhiều cam kết ngoại giao khác nhau.[62] Đến tháng 1 năm 2011, Ả Rập Xê Út cấp quy chế tị nạn cho nhà lãnh đạo bị trục xuất của Tunisia là Zine El-Abidine Ben Ali.[51] Theo điện tín bị rò rỉ, Quốc vương Abdullah cảm thông với cựu Tổng thống Yemen Saleh nhiều hơn so với Thái tử Sultan.[63]

Quốc vương Abdullah ủng hộ khôi phục quan hệ ngoại giao với chính phủ Syria và Bashar al-Assad. Họ gặp nhau tại Damascus vào ngày 7 tháng 10 năm 2009.[64] Ngoài ra, Assad còn tham dự lễ khánh thành Đại học Quốc vương Abdullah về Khoa học và Công nghệ vào tháng 10 năm 2009. Quan hệ giữa Syria và Ả Rập Xê Út bị xấu đi do hậu quả của Nội chiến Syria. Trong tháng 8 năm 2011, Quốc vương Abdullah triệu hồi đại sứ của mình khỏi Damascus do bất ổn chính trị tại Syria và đóng cửa đại sứ quán.[65]

Vào tháng 12 năm 2011, Quốc vương Abdullah kêu gọi các nhà lãnh đạo của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh củng cố liên minh của họ thành một "thực thể đơn nhất" đoàn kết trong khi đối phó với các mối đe doạ đến an ninh quốc gia.[66]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Abdullah của Ả Rập Xê Út http://www.thenational.ae/news/world/middle-east/s... http://www.bna.bh/portal/en/news/461140 http://asianhistory.about.com/od/profilesofasianle... http://www.al-akhbar.com/node/10276 http://www.aljazeera.com/news/middleeast/2010/10/2... http://www.aljazeera.com/programmes/rizkhan/2010/1... http://www.answers.com/topic/al-sudayri-family http://arabnews.com/saudiarabia/article238363.ece http://arabnews.com/saudiarabia/article240167.ece http://www.arabnews.com/khaled-appointed-riyadh-go...